Cây Đỗ Mai
Cây Đỗ Mai
Cây Đỗ mai có nguồn gốc từ châu Mỹ
Tên khoa học: Gliricidia sepium, thuộc họ Đậu (Fabaceae)
Đặc điểm hình thái
Lá kép, màu xanh pha trắng. Cây được trồng phổ biến các tỉnh Nam Trung Bộ.
Cây Đỗ Mai có chiều cao trung bình từ 4 – 7 m, cành nhánh khá nhiều, mọc chếch, mang những lá kép lông chim lẻ, với 9 – 15 lá chét hình xoan hơi thuôn màu xanh sáng, dài 4 – 5 cm, rộng 1,5 – 3 cm.
Hoa Đỗ mai có màu trắng, phớt hồng hay hồng thắm, đài hình chuông hay có 5 thùy nhỏ hình răng cưa, tràng có cánh hình mắt chim, mọc ở nách lá dọc suốt cành.
Do nhiều bộ phận của cây, đặc biệt là hạt và vỏ thân có độc tính cao, có tác dụng diệt chuột, nên nó cũng còn có tên là Sát thử hay Sát thử đốm (đài hoa có nhiều đốm đo đỏ), người Tây Ban Nha gọi là Matar Raton (diệt chuột).
Ngay trong tên khoa học của loài Đỗ mai – Gliricidia sepium, từ Gliricidia cũng có nghĩa là diệt chuột (bắt nguồn từ gốc từ Latin “glir-“: chuột, và hậu tố “-cida”: giết, diệt trừ).
Nhiều nơi trên thế giới, Đỗ mai được trồng làm băng xanh cản lửa, chắn gió và che bóng (sepium: hàng rào xanh phòng hộ) cho nhiều cây nông nghiệp dài ngày như Ca cao, Cà phê, Chè, Va-ni. Do vậy nó còn có tên là Madre Cacao (bảo mẫu của cây Ca cao).
Xem thêm cây khác: Cây Tử đằng, Cây Việt Quất, Cây Trúc Đào, Cây Thiên Thông, Cây Đơn Đỏ ta, Cây cô tòng lá mít
Tại Việt Nam, cây đỗ mai ra hoa và nở đúng vào dịp Tết rất đẹp và thường được gọi là cây Anh đào giả, vì cho rằng đó là cây họ đậu, nhưng khi trổ hoa trông tựa như cây Anh đào.
Còn đến Đắk Lắk vào thời gian này, ta có thể gặp bất cứ nơi đâu sắc hoa Đỗ mai nở rộ, từ ven đường, len lỏi trong ngõ nhỏ, thấp thoáng bên hàng rào những ngôi biệt thự.
Đỗ mai có khả năng cải tạo đất rất mạnh, ngoài khả năng cố định đạm tự do của bộ rễ, lá và hoa khi rụng cũng làm tăng nguồn đạm đáng kể cho đất.
Không chỉ thế, những nơi có cỏ tranh phát triển mạnh, khó diệt trừ, người ta trồng cây Đỗ mai thành rừng, sau một thời gian sẽ biến đất cỏ tranh thành đất canh tác nông nghiệp.
Gỗ của Đỗ mai có thớ mịn, vân khá đẹp và bền, thường được chế tác thành đồ trang trí nội thất, làm nông cụ, làm tà – vẹt đường tàu hỏa và làm gỗ xây dựng.
————
Sưu tầm
Trả lời